3 câu hỏi lớn cho ngành du lịch trong thu hút nhân lực

line
30 tháng 05 năm 2019

   Môi trường có đủ hấp dẫn, đã tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có và cần chiến lược gì để tạo đột phá là những câu hỏi mà Thủ tướng đặt ra cho ngành du lịch.

   Phần phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thu hút sự quan tâm của hơn 300 khách mời tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 tổ chức sáng ngày 12/4 tại TP HCM, do Sở Du lịch TP HCM cùng Trường Đại học Hoa Sen tổ chức.
Hoan nghênh sáng kiến tổ chức Diễn đàn để lắng nghe ý kiến đa chiều về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Thủ tướng cũng đã đặt 3 câu hỏi:
   Thứ nhất, mọi người thường đặt ra câu hỏi nguồn nhân lực có đủ đáp ứng nhu cầu cho ngành du lịch. Nhưng Thủ tướng đặt ngược lại câu hỏi: "Ngành du lịch có đủ hấp dẫn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam và quốc tế tham gia không? Các chính sách nghề nghiệp có đủ thu hút?"
   Thủ tướng tin rằng những công ty có chính sách tốt sẽ trả lời tốt nhất câu hỏi trên. Đó là những công ty có môi trường tốt, văn hóa công ty tốt. Đây không chỉ là câu hỏi cho doanh nghiệp du lịch mà cả cơ quan nhà nước. Du lịch là ngành có tính chất toàn cầu nên khó áp dụng chế độ bảo hộ, chính sách không được rời rạc mà phải tổng thể.
   Các quốc gia, doanh nghiệp đều đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam tốt. Do đó môi trường thu hút con người rất quan trọng, cần nghiên cứu vấn đề này.
   Câu hỏi thứ hai: Chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn chiếm trên 10% GDP, tạo lan tỏa sâu rộng, vậy chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ mũi nhọn? Làm gì để thu hút lao động chất lượng cao? Làm gì để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có?
   Thủ tướng muốn mở rộng nội hàm chủ đề nguồn nhân lực du lịch. Thủ tướng cho rằng không chỉ các đơn vị, công ty mà người dân, cộng đồng - nơi diễn ra hoạt động du lịch cũng phải tham gia. Nhất là khi năm qua, chúng ta nói nhiều về du lịch cộng đồng. Chính người dân mới là yếu tố quyết định quan trọng trong hệ thống du lịch Việt Nam.
   Chúng ta có 346 cơ sở du lịch, mỗi năm nhu cầu nhân sự du lịch cao nhưng chất lượng mới là vấn đề đặt ra, còn thấp, yếu, chưa học hành đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về văn hóa, ứng xử, thái độ...

Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn để lắng nghe ý kiến đa chiều về chất lượng nguồn nhân lực du lịch. 

   Cách đây 30 năm, TP HCM có trường du lịch rất nổi tiếng, ai học ra thì làm nghề rất giỏi. Học và hành, các trường hiện nay có đặt yêu cầu đó không? Địa phương và các trường phải giải quyết được vấn đề này. Mô hình công ty của trường này là một hình thức rất cần thiết. Nếu làm trường học mà không có thực hành thì rất xa vời với cơ hội nghề nghiệp. Nhìn phong cách phục vụ, người hướng dẫn viên là biết có được đào tạo tốt hay không.
   Ngoài ra, ứng xử của người dân là yếu tố quan trọng thu hút du lịch. Các địa phương cần thực hiện vấn đề này. Cộng đồng văn hóa rất quan trọng. Tại Hội An có cộng đồng làm du lịch rất tốt, sáng sớm vào xem đồ mà không mua người dân rất vui vẻ, lại còn hướng dẫn đường đi. Những chị bán chè, bán gánh cũng biết thu hút du lịch. Hay như Hội nghị Mỹ - Triều vừa qua, ông bán nước bưng bát nước chè đến tận tay các phóng viên quốc tế, nên du khách ấn tượng vô cùng.
   Thủ tướng cho rằng mỗi cá nhân đều có liên quan đến sự phát triển của du lịch Việt Nam. Đó chính là nguồn nhân lực quan trọng chứ không chỉ là nhân lực trong trường lớp đi ra. Vậy tại sao chúng ta không phát huy nguồn lực đó? Đó là còn chưa kể nguồn nhân lực lớn trong các ngành văn hóa, lịch sử, truyền thông... Ngành du lịch cần có cơ chế tốt để thu hút nhân sự trong các ngành nghề khác. Cần tập hợp những nhân sự đa ngành để phối hợp làm du lịch tốt hơn. Cách tiếp cận nguồn nhân lực du lịch như Diễn đàn hôm nay góp phần giúp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.
   Câu hỏi thứ ba Thủ tướng đặt ra là các Bộ ngành đã làm gì để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành mũi nhọn? Thủ tướng nhấn mạnh các Bộ ngành nên thực hiện nghiêm túc chứ không chỉ chờ địa phương thực hiện và cho ý kiến.
   Thủ tướng nêu 3 chữ "C" để đưa du lịch thành ngành kinh tế đột phá:
   - Con người: Cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp khách du lịch, đặc biệt người dân bản địa tại địa phương.
   - Cơ sở hạ tầng: Hạ tầng du lịch, kết nối giao thông, điện tử...
   - Chiến lược: Làm gì cũng phải có bước đi trước sau, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần có tầm nhìn dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm cùng các ngành khác để cân bằng văn hóa, kinh tế, môi trường. Đặc biệt là vấn đề đào tạo để nguồn nhân lực không thừa thiếu, số lượng đi cùng chất lượng để phát triển du lịch Việt Nam.
   Thủ tướng kỳ vọng sau diễn đàn, các Bộ ngành sẽ có câu trả lời thỏa đáng, giải quyết đúng bản chất vấn đề, tháo gỡ nút thắt, xây chiến lược đúng hướng, khả thi, nhất là trong vấn đề nâng cao nguồn nhân lực cả về lượng và chất, để du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.
   Cùng nỗi trăn trở về nhân lực chất lượng cho du lịch, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã có nhiều chính sách khuyến khích đào tạo. Bộ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị linh hoạt về mã ngành, phối hợp doanh nghiệp tạo hệ sinh thái đào tạo, tạo điều kiện chuyển nhiều sinh viên ngành sư phạm, ngành khác... sang ngành du lịch; đào tạo gắn liền thực tiễn...
   Bên cạnh đó Bộ cũng đã phối hợp với các Bộ ngành sắp xếp lại cơ sở đào tạo theo hướng chuẩn hóa. Nếu không thì mỗi sinh viên đầu ra theo một chuẩn, rất khó tham gia thị trường. Việc rà soát lại để gắn cơ sở đào tạo với vùng phát triển du lịch để tạo điều kiện sinh viên học và hành tại chỗ. 

Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

   Bộ cũng sẽ khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, tạo chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo, sử dụng, hỗ trợ lẫn nhau trong một quy trình chuẩn. Các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh thực hành, có những chuẩn mực quốc tế.
   Bộ trưởng Nhạ khẳng định tới đây sẽ tiếp tục cùng các Bộ ngành, các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp có các ý kiến thiết kế định hướng chương trình tạo động lực cho sinh viên, nhiều nguồn lực tham gia. Từ đó tiến đến kiểm định để chuẩn hóa theo hướng quốc tế chương trình đào tạo, tránh tình trạng không công nhận lẫn nhau.
   Là địa phương có đóng góp quan trọng cho ngành du lịch, nhưng TP HCM cũng nhận thấy một số bất cập tồn tại. Thạc sĩ Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM chỉ ra 4 điểm nghẽn trong phát triển hiện nay.
   - Thứ nhất là bất cập cung và cầu.
   - Thứ hai: năng suất lao động thấp.
   - Thứ ba: chưa phát triển nhân lực gián tiếp và đặc biệt.
   - Thứ tư là thách thức về chuyển dịch lao động trong khu vực. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM mong Diễn đàn sẽ thảo luận và hiến kế cho du lịch thành phố phát triển. 

   TP HCM có khối lượng nhân lực phục vụ cơ sở lưu trú, doanh nghiệp, lữ hành rất cao, mỗi năm cần tăng thêm 12-15%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chủ tịch UBND, thành phố chỉ đáp ứng 70%.
   Dù du lịch là một trong những ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nhưng vẫn thấp so với công nghiệp. So với nước ngoài năng suất càng thấp hơn.
   Nguồn lực nhân sự gián tiếp và những nhân sự đặc biệt cũng chưa được xem trọng. Lực lượng đặc biệt là ở những nơi cửa ngõ, sân bay, nhà ga, công cộng, đón và phục vụ du khách. Nơi đây hình thành ấn tượng đầu tiên giúp du khách nghĩ tốt về đất nước, con người Việt. Trong quá trình làm việc, lực lượng này chưa qua đào tạo chuyên nghiệp, còn chú trọng chuyên môn mà chưa chú ý đến thái độ vốn rất quan trọng tạo nên sự thân thiện với du khách.
   Ông Vũ cũng chỉ ra thách thức lớn của ngành này là năng suất lao động của nhân lực còn thấp trong với khu vực.
   Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch cả nước 23 tỷ USD, đóng góp 7,5% vào GDP. Đây là mức tăng doanh thu ấn tượng, tuy nhiên mức năng suất khá thấp, với chỉ 3.477 USD/năm cho mỗi nhân lực trong ngành này. Trong khi đó ở Singapore, đất nước với số dân gần 5,9 triệu người, trong đó khoảng 80% làm trong ngành du lịch, thì mỗi lao động trong ngành tạo ra 47.713USD/năm, gấp 15 lần; còn ở Thái Lan, mỗi lao động tạo ra 8.369 USD/năm, gấp 2,5 lần.
   Ở góc độ doanh nghiệp, trường học - câu chuyện làm thế nào để có nhân sự giỏi, cung ứng người tài cho ngành phát triển được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhu cầu nhân lực luôn ở mức cao, hàng tuần Đại học Hoa Sen đều nhận đơn đề nghị về cung ứng nhân sự chất lượng cao cho các tập đoàn lớn với nhu cầu khoảng 5.000 nhân sự một năm, cả Việt Nam và trên thế giới. 

Giáo sư - Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho rằng khái niệm nhân lực chất lượng cao, không thể gói trong khuôn khổ đại học cao đẳng, mà phải mở ra nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. 

   Các doanh nghiệp lữ hành sử dụng khoảng 20.000 lao động, 40.000 hướng dẫn viên, con số này gần như không thể đảm nhiệm nổi phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt là các du khách quốc tế nói ngoại ngữ ít được đào tạo.

   "Lấy ví dụ ở các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng... có nhiều du khách nói tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Các công ty lữ hành khi tuyển dụng vào thì hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Chuyện này là một lãng phí rất lớn", ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel chia sẻ.

   Chất lượng đầu vào của sinh viên là yếu tố quan trọng, tuy nhiên chất lượng đầu ra để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại là yếu tố quyết định. Không phải là sinh viên tốt nghiệp trường giỏi sẽ được nhận làm việc lâu dài, hoặc sinh viên trường cấp dưới là không nhận được cơ hội làm việc. Do đó, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist khẳng định, bằng cấp chưa phải là điều kiện hàng đầu, quan trọng là kỹ năng, thái độ của sinh viên đối với công việc mình làm.

   Ghi nhận các hiến kế cho ngành du lịch và cách thức tăng chất lượng nhân sự cho ngành này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM cam kết thành phố sẽ thực hiện 3 chữ C theo yêu cầu của Thủ tướng trong thời gian tới. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố củng cố giải pháp hiện hữu, đề xuất mới, nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện thực hóa mục tiêu thu hút du khách trong tương lai. 

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, là đô thị chiếm 30% doanh nghiệp lữ hành, 50% khách quốc tế, 36% khách nội địa, TP HCM sẽ nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu. 

   Lãnh đạo TP HCM cam kết hành động quyết liệt, chuyển góp ý thành hành động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý Nhà nước, quản trị du lịch; đa dạng hóa hình thức đào tạo, nghiên cứu đãi ngộ xứng đáng, để quyết tâm đưa TP HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập.

   Tại diễn đàn cũng đã diễn ra lễ ký kết liên kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa các trường đại học tại TP HCM: Đại học Hoa Sen, Đại học Hồng Bàng, Đại học Ngoại ngữ Tin học TP HCM, Đại học Công nghệ TP HCM, Nguyễn Tất Thành, Kinh tế TP HCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Đại học Văn Lang, Đại học Kinh tế - Luật TP HCM. 

Các trường đại học tại TP HCM ký kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực du lịch. 

Nguồn:https://vnexpress.net/

Các tin liên quan